20/01/2022 Kinh nghiệm tổ chức sự kiện

PHONG TỤC THỜ CÚNG TỔ TIÊN NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT

Hàng năm, mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt Nam ta dù đi làm ăn xa nhà vẫn luôn mong ngóng được trở về nhà, sum họp dưới mái ấm gia đình. Tết Nguyên Đán cũng là dịp để người Việt tỏ lòng thành kính với tổ tiên, hằng mong các vị tiền nhân cùng con cháu đón một mùa xuân mới an khang, thịnh vượng. Sau đây, hãy cùng Kỷ Nguyên đi sâu vào tìm hiểu về phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết của người Việt.

 

1. Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

 

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được ra đời từ thời xa xưa và tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất phát từ quan niệm rằng mọi vật đều có linh hồn. Người Việt cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới tôn sùng các vị thần cổ xưa như thần cây, thần đá, thần núi, thần sông nước… 

Khi con người bắt đầu tìm hiểu, khám phá bản thân, mối liên hệ giữa thế giới hữu hình và vô hình, giữa sự sống và cái chết khiến con người đặc biệt quan tâm. Họ tư hỏi. “Lúc chết thì linh hồn sẽ đi về đâu, thể xác sẽ ra sao”. “Thế giới bên kia ở đâu, sự sống cái chết rốt cuộc là như thế nào?” Họ không hoàn toàn lý giải được. Đó là những tiền đề của thờ cúng tổ tiên.

Trong quá trình lịch sử phát triển, khái niệm tổ tiên cũng có nhiều sự thay đổi. Sự hình thành và phát triển của các quốc gia, dân tộc thường gắn liền với tên tuổi của những người có công dựng nước, giữ nước, bảo vệ cuộc sống của cộng đồng. Họ là những người mà khi còn sống thì được tôn sùng, kính nể, khi mất đi thì được tưởng nhớ, thờ phụng. Ở Việt Nam, họ được gọi là những tổ sư, tổ nghề, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa…

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa những người sống và những người chết có chung huyết thống lại gắn bó mật thiết hơn. Ông bà, cha mẹ dù qua đời nhưng vẫn luôn hiện diện trong suy nghĩ, tư tưởng của con cháu. Con cháu cảm thấy mình phải có trách nhiệm cả về vật chất lẫn tinh thần để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của họ. Ông bà và tổ tiên sẽ luôn dõi theo, phù hộ độ trì cho con cháu. Và đây chính là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Thờ cúng tổ tiên là truyền thống lâu đời của người Việt

 

2. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

 

Tết Nguyên Đán được tổ chức trong 4 ngày và lễ cúng gia tiên cũng tương tự với từng ý nghĩa khác nhau. Chiều 30 Tết là lễ cúng tất niên, tức là trình báo với ông bà, tổ tiên năm cũ đã hết. Đêm 30 thì là cúng giao thừa, chờ đón sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Sáng mùng 1 Tết là cúng nguyên đán, chào mừng buổi sáng đầu tiên trong năm. Chiều mùng 1 Tết sẽ cúng tịch điện, nghĩa là cúng cơm chiều. Ngày mùng 2 Tết có 2 lễ cúng, buổi sáng cúng chiêu điện, buổi chiều cúng tịch điện. Ngày mùng 3 là ngày cuối của Tết, do đó sẽ cúng tạ ông vải – mang ý nghĩa 4 ngày tết đã hết. Đây là dịp để con cháu ở các nơi khác hội tụ lại, cùng nhau gặp gỡ hàn huyên để kết chặt mối thâm tình. 

Ngoài ra, thờ cúng tổ tiên ngày Tết còn là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành của bậc cha mẹ. Vào những ngày Tết, trước bàn thờ gia tiên, mọi người thường mặc những bộ quần áo mới, tươm tất, nghiêm trang cúng vái, cầu mong mọi điều tốt lành, thuận lợi sẽ đến trong năm mới. Sự tín ngưỡng ấy đã góp phần nâng cao giá trị nhân văn, đạo đức và phát huy bản sắc dân tộc. Việc thờ cúng tổ tiên còn răn dạy con cháu về ý thức giữ gìn đạo lý, sống tình nghĩa, nề nếp và thủy chung, hướng thiện. Thật vậy, người con hiếu thảo phải biết ơn công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ cũng như tổ tiên, ông bà đã khuất. Vì thế, ca dao xưa đã có câu:

“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đâu?

Có cha có mẹ rồi sau có mình”

Có tổ tiên thì mới có các thế hệ hôm nay. Con cháu không nhớ đến công ơn tổ tiên chính là quên đi nguồn gốc của mình.

Con cháu kính cẩn đặt đồ lễ lên bàn thờ

 

3. Nghi thức thờ cúng tổ tiên

 

Việc thờ cúng tổ tiên được mỗi gia đình tiến hành quanh năm. Không chỉ cúng lễ trong các dịp quan trọng như giỗ chạp, cưới xin hay những ngày lễ như Tết nguyên đán, Thanh minh mà con cháu còn báo cáo mọi chuyện vui buồn: sinh nở, thi cử, dựng vợ gả chồng… Bên cạnh đó, người Việt dâng hương, làm lễ cúng để thông báo, cầu mong tổ tiên phù hộ hay để bày tỏ lòng thành khi công việc suôn sẻ, thuận lợi. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối tương trợ giữa cõi dương và cõi âm.

Đồ lễ trên bàn thờ cũng không theo một quy định cụ thể nào cả, tùy tâm của mỗi người. Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng được đặt ở trên cao, tại nơi trang trọng nhất trong nhà. Trên bàn thờ bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố. Chén nước trắng tinh khiết cũng được lưu truyền từ tục thờ thần nước xa xưa. Một triết lý quen thuộc của phương Đông cũng đã xuất hiện ở đây: sự giao hòa âm dương. Bên cạnh chén nước, bình rượu (âm) cần đến sự có mặt của hương lửa (dương). Cũng như khi hóa vàng, người ta cho rằng phải đổ chén rượu hoặc nước lên đống tro thì lễ vật mới dâng đến tay người âm được. Theo quan niệm dân gian, nén hương là cầu nối giữa tổ tiên và con cháu, nó có khả năng truyền tải lời thỉnh cầu của những người sống. Và chính mùi thơm thanh cao của hương, hoa đã tạo ra được sự giao hòa giữa người hai cõi.

Mâm cơm cúng ngày Tết không cần chuẩn bị quá cầu kỳ nhưng ẩn chứa trong đó là tấm lòng dâng lên đất trời, thần linh và tổ tiên. Các gia đình Việt thường sẽ chọn lựa những món ăn truyền thống. Mỗi vùng miền sẽ có món truyền thống, đặc trưng riêng.

Ngoài ra, bàn thờ cúng ngày Tết cần chuẩn bị thêm một vài những thứ khác. Có thể liệt kê như mâm ngũ quả, hoa tươi, tiền vàng, nến, trầu cau, rượu trắng, bánh chưng,… Sau khi cúng giỗ, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, hưởng lộc của tiền nhân. Bạn bè thân thuộc cũng được mời đến dùng bữa hay còn gọi là đi ăn giỗ.

Mâm cơm cúng được chuẩn bị hết sức đơn giản, bắt mắt

Trên đây, Kỷ Nguyên đã tóm tắt một cách sơ lược và cụ thể về phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết của người Việt. Chúc mọi người và gia đình một năm mới: TÀI LỘC – AN KHANG – VẠN SỰ NHƯ Ý. 

KỶ NGUYÊN GROUP

Hotline: 090 329 86 88

Email: contact@kynguyenvn.com

Website: https://kynguyengroup.com

>> Xem thêm

Lưu ý khi chuẩn bị lễ cúng tân niên cho doanh nghiệp

5 lưu ý năm mới cho doanh nghiệp dịp đầu xuân

40 lời chúc năm mới Nhâm Dần 2022 ý nghĩa gửi đến doanh nghiệp/ khách hàng

VĂN PHÒNG TẠI HÀ NỘI

Địa chỉ:

Số 21 - TT2A - 622 Minh Khai, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng

VĂN PHÒNG TẠI TP. HCM

Địa chỉ:

Số 80 - đường 17 - khu phố B, Phường An Phú, Quận 2

VĂN PHÒNG TẠI ĐÀ NẴNG

Địa chỉ:

201/4 Phan Châu Trinh, Phường Phước Ninh, Quận Hải Châu

VĂN PHÒNG TẠI CẦN THƠ

Địa chỉ:

2/34 Trần Văn Khéo, Phường Cái Khế, Quận Ninh Kiều

Kỷ Nguyên Group